Nhà đầu tư và giao dịch tiền mã hóa thường dùng lẫn lộn ‘sập’ và ‘điều chỉnh’ khi Bitcoin giảm giá. Tuy vậy, ý nghĩa của chúng hoàn toàn khác nhau.
‘Sập’ (crash) là gì?
Trong tài chính truyền thông, một tài sản được tính là “sập giá” khi giá trị giảm hơn 10% chỉ trong một ngày. Đây là kiểu sự cố thường được kích hoạt bởi những tác động tiêu cực và mang tính bất ngờ, gây ra sự hoảng loạn cho giới đầu tư, khiến họ muốn thoát khỏi thị trường ngay lập tức.
Việc Elon Musk đăng tweet, tuyên bố việc khai thác Bitcoin gây nguy hại đến môi trường là một ví dụ điển hình.
Mặc dù các yếu tố kỹ thuật đóng vai trò quan trọng đối với giá Bitcoin, các yếu tố cơ bản khác như: những sự kiện kinh tế vĩ mô, các quy định quản lý đột ngột bị thay đổi hoặc các thông báo quan trọng từ các công ty lớn có thể gây ra sự sụp đổ lớn trên thị trường.
Vụ sụp đổ xảy ra vào ngày 10/4/2013 là vụ nghiêm trọng nhất cho đến nay. Chúng xảy ra ngay sau khi Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính Mỹ (FinCEN) đóng cửa sàn giao dịch Bitfloor và yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa phải đăng ký với tư cách là “dịch vụ chuyển tiền”.
Vào thời điểm đó, giá Bitcoin giảm hơn 73% trong vòng 24 giờ, từ mức 259.34 USD xuống gần 70 USD.
Một trong những ví dụ gần đây nhất về “sập” là “Thứ Năm Đen Tối”, ngày 12/3/2020. Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Covid – 19 là đại dịch toàn cầu, giá Bitcoin giảm đến 40%, từ 7.969 USD xuống còn 4.776 USD trong 24 giờ.
‘Điều chỉnh’ (correction) là gì?
Sự điều chỉnh mô tả đà giảm giá khi giá tài sản mất hơn 10% so với mức đỉnh trong vài ngày. Điều này xảy ra khi Bitcoin được định giá quá cao, thị trường sẽ có xu hướng tự điều chỉnh khi đà tăng cạn kiệt và các nhà giao dịch cần thời gian để củng cố, phục hồi.
Khi hầu hết cộng đồng đã mua tài sản và rất ít người mua mới ủng hộ xu hướng tăng, đà tăng bắt đầu chững và tình trạng cạn kiệt xảy ra. Lúc này, giá bắt đầu giảm khi lệnh bán vượt lệnh mua.
Các đợt điều chỉnh thường bắt đầu bởi các sự kiện nhỏ và các yếu tố kỹ thuật như người mua đối mặt với mức kháng cự mạnh, khối lượng giao dịch thấp…
Trong quá trình phân tích kỹ thuật, sự điều chỉnh thường được phát hiện bằng các chỉ báo như RSI hay Fear and Greed Index (chỉ số sợ hãi và tham lam).
Nhà đầu tư có nên lo lắng?
Thực tế, sự biến động của Bitcoin là một trong những đặc điểm của loại tiền mã hóa này. Các nhà đầu tư, giao dịch lâu năm gần như đã quen với trạng thái biến động mạnh của Bitcoin và xem đó là chuyện bình thường.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích tin rằng sự sụt giảm hiện tại có thể là một đợt điều chỉnh lành mạnh và là thời điểm tốt để đầu tư.
Đây không phải lần đầu tiên Bitcoin chứng kiến sự sụt giảm mạnh như vậy. Mặc dù giá tài sản giảm đến 50%, đây là điều khá điển hình trong các thị trường biến động, đặc biệt là sau đợt tăng khủng lên hơn 600% vừa qua của Bitcoin.
Trước đây, Bitcoin từng chứng kiến mức giảm hơn 70% chỉ trong một ngày. Sau đó, giá trị Bitcoin tăng trở lại gấp 10 lần trong thời gian ngắn.
Nhìn về quá khứ, dù giảm mạnh đến đâu, Bitcoin luôn tăng trở lại và lập các đỉnh mới.
Có thể bạn quan tâm:
- CEO Tesla vs CEO Twitter: ‘Cuộc chiến thư hùng’
- Báo cáo: 7 dự án DeFi đáng chú ý
- Israel sử dụng Ethereum cho tiền kỹ thuật số quốc gia