Một số cửa hàng thông báo thanh toán dịch vụ bằng Pi nhưng thực chất chỉ là “chiêu” thu hút thành viên, vì Pi chưa thể dùng để giao dịch và việc thanh toán bằng tiền điện tử tại Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật.
Hội nhóm những người “đào” Pi tại Việt Nam gần đây chia sẻ nhau hình ảnh các cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng Pi, từ cửa hàng điện thoại đến quán cà phê…
Một cửa hàng lẩu băng chuyền tại TP HCM đưa Pi vào chương trình khuyến mãi. Cửa hàng khẳng định sẽ mua đồng Pi của người đến ăn lẩu, kèm hứa hẹn giúp khách hàng kiếm 100 đến 300 nghìn đồng mỗi ngày mà không cần đầu tư gì. Thậm chí, cửa hàng còn chi tiền chạy quảng cáo cho nội dung này để chúng được tiếp cận được nhiều người hơn. Cuối bài quảng cáo là các mã giới thiệu của chủ cửa hàng để dụ người dùng sử dụng Pi Network và Bee Network. Chủ cửa hàng này cho rằng mỗi đồng Pi sau này sẽ có giá 150 USD (~3.4 triệu đồng), nhưng lại hẹn “vài tháng nữa mới mua vì hiện nay Pi chưa chuyển được”.
Theo những người chơi tiền điện tử, việc thanh toán bằng Pi như quảng cáo là chưa khả dụng. “Đây chỉ là chiêu dụ thêm người tải Pi bằng mã giới thiệu, từ đó giúp họ tăng tốc độ đào Pi mà thôi”, Nguyễn Bảo, một người từng “đào Pi” thời kỳ đầu chia sẻ.
Theo anh Bảo, bên cạnh việc chia sẻ các khía cạnh công nghệ của dự án, một trong những phương thức dụ người khác tham gia mạng lưới là khiến họ ảo tưởng về giá trị của đồng tiền này. Những người đi mời thường sử dụng hình ảnh như “cây ATM” đổi Pi ra tiền, hình ảnh người nước ngoài mua siêu xe bằng Pi, nhưng thực tế là hình dựng hoặc “photoshop”.
Quản trị viên một diễn đàn đào Pi lớn nhất ở Việt Nam cũng khẳng định việc mua bán Pi đang bị cấm trên hệ thống này. Pi Network hiện chưa cho phép người dùng mua bán đồng Pi. Người này cũng cho biết người dùng Pi “có thể trao đổi hàng hóa dựa trên sự đồng thuận, nhưng điều kiện là phải được xác thực danh tính KYC (Know Your Customer) và mở tính năng giao dịch nội bộ IAT (In App Transfer)”. Tuy nhiên, người dùng nào được Pi mở IAT hiện vẫn còn là ẩn số.
Việc thanh toán bằng Pi là vi phạm pháp luật Việt Nam
“Tiền ảo không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam”, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nói trong buổi họp báo mới đây. Do đó, việc mua bán, kinh doanh tiền ảo không được pháp luật bảo vệ.
Pi tên một là dự án về tiền điện tử ra đời từ năm 2019, với người sáng lập là Tiến sĩ Nicolas Kokkalis, đến từ đại học Stanford (Mỹ). Dự án được quảng cáo có thể “đào” miễn phí trên điện thoại bằng ứng dụng Pi Network. Sau khi cài ứng dụng, tài khoản Pi của người dùng sẽ tự động tăng, với điều kiện người dùng phải mở ứng dụng để “điểm danh” sau mỗi 24 giờ. Càng mời được nhiều người tham gia, tốc độ “đào” Pi sẽ càng nhanh. Dự án này hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, chưa có thời gian cho giai đoạn chính thức.
Pi gây sốt tại Việt Nam thời gian qua. Nhiều người tham gia với suy nghĩ “làm giàu bằng tiền ảo mà không mất gì”. Ứng dụng Pi Network liên tục lọt top những ứng dụng được tải nhiều tại Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo ứng dụng này có thể lấy thông tin người dùng.
Hiện tại, các chuyên gia về tiền mã hóa vẫn nghi ngờ giá trị của đồng Pi, bởi dự án này chưa mở mã nguồn, chưa có thời gian cụ thể cho giai đoạn Mainnet. Tài khoản Pi của người dùng cũng chưa có địa chỉ và vì khóa bí mật nên chưa thể giao dịch.
Nguồn: vnexpress
Có thể bạn quan tâm:
- Arthur Hayes: Sự hồi sinh của trái phiếu có thể khiến các nhà đầu tư “thoát khỏi Bitcoin”
- MicroStrategy mua thêm Bitcoin và sự căng thẳng của phố Wall làm ảnh hưởng đến Bitcoin
- Cơn sốt tiền điện tử đã quay trở lại Hàn Quốc, giao dịch trung bình đạt 7 tỷ USD mỗi ngày