Máy đào Bitcoin: Quản lý ra sao trong cơn sốt tiền ảo?
Thị trường máy đào Bitcoin tại Việt Nam đang nóng lên khi hành lang pháp lý cho tiền số dần hình thành.
Gần đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã phản hồi Cục Hải quan (Bộ Tài chính) về việc quản lý nhập khẩu thiết bị này, trong bối cảnh công nghệ đào tiền ảo ngày càng đa dạng và phức tạp.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, máy đào Bitcoin (mã HS 84715090) không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu hay chịu quản lý chuyên ngành theo quy định của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, thiết bị này không chỉ giới hạn ở máy ASIC hay VGA, mà còn mở rộng sang điện thoại thông minh, ổ cứng, thậm chí nền tảng đám mây.

Sự bùng nổ công nghệ khiến việc xác định chính xác các thiết bị đào tiền ảo trở nên khó khăn. Cục nhấn mạnh, đây là mặt hàng đa dụng, có thể phục vụ nhiều mục đích, không chỉ riêng khai thác tiền ảo.
Để quản lý hiệu quả, Cục đề nghị Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, phân loại và áp mã HS cụ thể cho từng loại thiết bị liên quan đến tiền ảo.
Điều này nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động cho các hoạt động hợp pháp khác. “Cần biện pháp phù hợp, không thể cấm đoán đơn thuần,” Cục nhận định.
Hồi 2017-2018, khoảng 30.000 máy đào Bitcoin được nhập về Việt Nam, gây lúng túng cho Hải quan vì Bitcoin chưa được pháp luật công nhận.
Khi đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính ủng hộ tạm ngừng nhập khẩu, trong khi Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng chỉ nên tạm dừng với máy ASIC.
Nay, khi tiền ảo dần được quan tâm trở lại, bài toán quản lý máy đào tiếp tục thử thách cơ quan chức năng trong thời đại công nghệ 4.0.
Ngân hàng Việt Nam chuẩn bị có vai trò quan trọng trên sàn giao dịch tiền ảo