Thuế tiền mã hóa ở Việt Nam: Cơ hội vàng hay thách thức lớn?
Việt Nam đang tiến gần hơn đến việc hợp pháp hóa tiền mã hóa, mở ra cơ hội thu thuế từ thị trường trị giá hơn 100 tỷ USD với 17 triệu người sở hữu – đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ quan tâm, theo Chainalysis.
Tuy nhiên, làm thế nào để đánh thuế hiệu quả mà không “dọa” nhà đầu tư là bài toán nan giải.
TS Chu Thanh Tuấn, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng thuế tiền mã hóa không chỉ là nguồn thu ngân sách mà còn phải tránh làm tổn hại thị trường hay đẩy dòng vốn ra nước ngoài.

Ông gợi ý áp thuế giao dịch thấp, như 0,1%, có thể mang về 800 triệu USD mỗi năm mà không gây xáo trộn, theo ước tính của Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
Ngoài ra, thuế thu nhập cá nhân từ lợi nhuận hay thuế doanh nghiệp (20%) cho các công ty tiền mã hóa cũng là hướng khả thi. Một nguồn thu khác là phí cấp phép sàn giao dịch, như mô hình ở Dubai, vừa kiểm soát vừa sinh lợi.
Thế nhưng, thách thức không nhỏ. Tính ẩn danh của blockchain khiến việc theo dõi giao dịch gần như bất khả thi nếu nhà đầu tư dùng ví cá nhân hay nền tảng DeFi để né thuế.
Khung pháp lý chưa rõ ràng – tiền mã hóa là tài sản, hàng hóa hay phương thức thanh toán? – càng làm khó cơ quan thuế. TS Tuấn cảnh báo, thuế quá cao, như Ấn Độ với 30% lợi nhuận và 1% giao dịch, có thể khiến nhà đầu tư “chạy” sang Singapore, Dubai, làm thất thoát nguồn thu.
Để thành công, Việt Nam cần thuế thấp, đơn giản, miễn VAT như EU, và đầu tư công nghệ giám sát blockchain. Hợp tác quốc tế cũng quan trọng để ngăn trốn thuế xuyên biên giới.
Nếu cân bằng được, Việt Nam không chỉ thu hàng trăm triệu USD mà còn xây dựng hệ sinh thái tiền số bền vững.
Ngân hàng Việt Nam chuẩn bị có vai trò quan trọng trên sàn giao dịch tiền ảo