Việt Nam đối mặt với thách thức quản lý hơn 20 sàn giao dịch tài sản mã hóa ngoài vòng pháp luật
Thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam đang phát triển sôi nổi với hơn 17 triệu người sở hữu, đưa nước ta vào top 7 thế giới và liên tục nằm trong top 5 chỉ số chấp nhận tài sản số toàn cầu theo Chainalysis.
Tuy nhiên, theo ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), hiện có hơn 20 sàn giao dịch tập trung hoạt động tại Việt Nam, phần lớn không có tư cách pháp nhân hay trụ sở trong nước.

Các sàn này đang vận hành trong “vùng xám” pháp lý, thiếu hệ thống giám sát, không tuân thủ quy định chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CTF), thậm chí từ chối hợp tác với cơ quan chức năng khi xảy ra lừa đảo.
Trước thực trạng này, việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số trở thành ưu tiên cấp bách.
Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài sản mã hóa tập trung” ngày 27/3/2025 ở Hà Nội, ông Dinh nhấn mạnh thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa là bước đi cần thiết. Thủ tướng Chính phủ, qua Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 1/3/2025, đã yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện khung pháp lý trong tháng 3, với Nghị quyết thí điểm dự kiến ban hành ngày 1/4. Đây là nỗ lực nhằm quản lý thị trường tài chính số lành mạnh, hiệu quả.

Thị trường tài sản mã hóa toàn cầu hiện đạt quy mô giao dịch 200 tỷ USD mỗi ngày, với 617 triệu người dùng, chiếm 8% dân số thế giới.
Việt Nam, với tiềm năng lớn, cần cân bằng giữa đổi mới công nghệ và lợi ích kinh tế. Ông Tô Trần Hòa, Phó Trưởng ban Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết dự thảo Nghị quyết được tham khảo từ các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, đảm bảo tuân thủ chuẩn quốc tế.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch VBA, khẳng định việc luật hóa tài chính phi tập trung sẽ thúc đẩy hội nhập toàn cầu, tối ưu nguồn lực và thực hiện cam kết chống rửa tiền của Chính phủ.
Việt Nam và Singapore đạt được thỏa thuận hợp tác về quản lý tài sản số
Việt Nam có Hiếu pc mà sợ gì