Bitcoin tăng hơn 4,6% nhưng thị trường có thể đối mặt với biến động mạnh khi loạt dữ liệu kinh tế Mỹ sắp công bố trong tuần này.
Bitcoin hiện đang giao dịch quanh mức 88.310 USD, tăng 4,62% trong vòng 24 giờ qua. Tuy nhiên, sự ổn định này có thể không kéo dài lâu. Tuần này, thị trường sẽ đối mặt với một loạt báo cáo kinh tế quan trọng từ Mỹ, những dữ liệu có thể kích hoạt làn sóng biến động mạnh.
Từ số liệu thất nghiệp cho đến chỉ số niềm tin tiêu dùng, chúng ta chuẩn bị đón nhận 5 sự kiện kinh tế chủ chốt sắp được công bố, mỗi báo cáo đều có thể thúc đẩy đà tăng của Bitcoin hoặc khiến thị trường điều chỉnh.
Economic indicators and events this week. pic.twitter.com/40b3ivyTp2
— Rimac Capital (@rimaccapital) April 21, 2025
Chỉ số kinh tế dẫn dắt (LEI) – công bố ngày 21/4 (thứ Hai)
LEI tháng 3 dự kiến giảm 0,5%, nối dài chuỗi suy giảm nhiều tháng liên tiếp. Điều này phản ánh niềm tin tiêu dùng yếu đi và hoạt động sản xuất chững lại. Dù xu hướng sáu tháng gần đây có cải thiện nhẹ, động lực tổng thể vẫn cho thấy kinh tế Mỹ đang suy yếu.
Với Bitcoin, điều này thường đồng nghĩa với tâm lý ưa rủi ro giảm sút, nghĩa là nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang tài sản an toàn như trái phiếu và vàng. Tuy nhiên, nếu lo ngại về hệ thống tài chính truyền thống gia tăng, Bitcoin có thể hưởng lợi nhờ vai trò “nơi trú ẩn kỹ thuật số”.
PMI dịch vụ – công bố ngày 23/4 (thứ Tư)
Chỉ số PMI dịch vụ tháng 3 đạt 54,4 điểm – cho thấy khu vực dịch vụ của Mỹ vẫn tăng trưởng tốt. Nếu dữ liệu tuần này tiếp tục trên ngưỡng 50, điều đó sẽ củng cố câu chuyện “đồng đô la vẫn mạnh” và nền kinh tế đang hồi phục.
Tuy nhiên, đồng USD mạnh thường gây áp lực lên Bitcoin, vì làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản thay thế. Đồng thời, nó cũng khiến kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất sớm trở nên xa vời hơn, điều này có thể làm chậm đà phục hồi của thị trường crypto.
PMI sản xuất – công bố cùng ngày 23/4 (thứ Tư)
Khác với khu vực dịch vụ, ngành sản xuất Mỹ đang gặp khó khăn. Nếu số liệu sắp tới tiếp tục yếu, nỗi lo suy thoái sẽ gia tăng. Trong trường hợp thị trường chứng khoán cũng sụt giảm, tâm lý né tránh rủi ro có thể khiến dòng tiền rút khỏi Bitcoin và các tài sản đầu cơ khác.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu – công bố ngày 24/4 (thứ Năm)
Tuần trước, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm nhẹ, nhưng thị trường lao động vẫn được đánh giá là “mềm yếu”. Nếu số liệu công bố hôm thứ Năm bất ngờ tăng mạnh, nó có thể làm dấy lên lo ngại suy thoái, gây áp lực lên Bitcoin.
Ngược lại, nếu số đơn tiếp tục giảm, tâm lý thị trường có thể được cải thiện, hỗ trợ lực cầu ngắn hạn cho tiền mã hóa.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng – công bố ngày 25/4 (thứ Sáu)
Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ hiện đang ở mức thấp gần kỷ lục. Báo cáo cuối tuần này sẽ xác nhận xu hướng tiêu cực hoặc mở ra kỳ vọng phục hồi. Nếu tiếp tục suy yếu, tâm lý đầu cơ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực – nhưng chỉ cần cải thiện nhẹ cũng đủ để Bitcoin hưởng lợi trong ngắn hạn khi khẩu vị rủi ro (Risk Appetite) quay trở lại.
Thị trường có thể biến động mạnh?
Với hàng loạt sự kiện kinh tế quan trọng chuẩn bị công bố trong tuần này, bất kỳ dữ liệu nào vượt xa kỳ vọng đều có thể tạo ra những cú xoay chuyển lớn trên thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền điện tử nói riếng.
Dù hiện tại Bitcoin vẫn giữ vững trên vùng 88.000 USD, nhưng tình hình có thể thay đổi nhanh chóng. Các nhà giao dịch và nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho một tuần “sóng gió”, với nhiều khả năng biến động bất ngờ khi các con số lần lượt được công bố.
Bitcoin (BTC) và Vàng tăng đột biến sau tuyên bố của Donald Trump