Thẻ tín dụng là gì?
Thẻ tín dụng (Credit Card) là một loại thẻ ngân hàng có tính năng thanh toán mà không cần tiền có sẵn trong thẻ, cho phép chủ thẻ vay tiền từ ngân hàng với hạn mức tín dụng cho phép để thực hiện các thanh toán. Nói cách khác là bạn sẽ mượn tiền của ngân hàng để thanh toán và tới cuối kỳ sẽ cần trả lại đầy đủ cho ngân hàng.
Chỉ cần chủ thẻ tín dụng trả tiền trong khoảng thời gian quy định (thông thường là 45 ngày) sẽ không bị tính thêm các khoản phí nào cho thẻ. Nếu sau thời gian này, ngân hàng sẽ tính lãi dựa trên số tiền chủ thẻ tín dụng đã “tạm vay” ngân hàng.
Số tiền trong thẻ tín dụng được ngân hàng cấp gọi là hạn mức thẻ tín dụng. Tùy vào hồ sơ mở thẻ cũng như điều kiện mà bạn đáp ứng được với ngân hàng mà hạn mức này sẽ cao hoặc thấp khác nhau. Khi đã được ngân hàng duyệt và chấp nhận mở thẻ tín dụng thì bạn có thể sử dụng để thanh toán các dịch vụ tiện ích như mua sắm, giải trí, du lịch… rất tiện ích.
Hiện nay, thẻ tín dụng có 2 loại là:
– Thẻ nội địa: Chỉ có thể thanh toán trong nước.
– Thẻ quốc tế: Có liên kết Mastercard/Visa, có thể thanh toán trong và ngoài nước.
Xem thêm: VietinBank iPay là gì? Hướng dẫn đăng ký và sử dụng Vietin iPay
Thẻ tín dụng có chức năng gì?
Ngày nay, để sở hữu 1 chiếc thẻ tín dụng không còn quá nhiều khó khăn. Bạn có thể mở thẻ tín dụng của Mastercard ở hầu hết các ngân hàng đang có tại Việt Nam. Mỗi loại thẻ của các ngân hàng đều khác nhau về hạn mức tín dụng, mục đích sử dụng và lãi suất, biểu phí áp dụng. Nhưng về chức năng của thẻ tín dụng thì bạn có thể hiểu đơn giản nhất nhưng đầy đủ là thẻ tín dụng dùng để thanh toán các dịch vụ sử dụng. Đây là tính năng quan trọng của thẻ tín dụng. Ngoài tính năng thanh toán thì thẻ tín dụng cũng có tính năng rút tiền. Những giao dịch rút tiền được các chuyên gia khuyên rằng nên hạn chế đến mức tối đa.
– Tính năng thanh toán: Mang ý nghĩa chi tiêu trước trả tiền sau, bạn có thể thanh toán những khoản mua sắm, những dịch vụ phải thanh toán trong và ngoài nước đều được. Bạn có 45 ngày để thanh toán với không áp dụng lãi suất. Sau thời hạn trên, bạn sẽ phải chi trả tiền cho ngân hàng bằng hình thức trả toàn bộ có áp dụng tính lãi suất.
– Rút tiền mặt: Tuy được trang bị tính năng này nhưng lời khuyên thiết thực cho bạn không nên dùng và nếu phải dùng thì phải hạn chế. Bởi phí rút tiền kèm lãi suất áp dụng cho khoản tiền vừa rút khá cao.
Lợi ích và bất lợi của thẻ tín dụng
Lợi ích | Bất lợi |
Bạn có thể dễ dàng thực hiện việc mua sắm giá trị lớn và trả nợ theo từng phần nhỏ | Dễ mắc nợ nếu bạn không cẩn thận với chi tiêu |
Bảng sao kê thẻ tín dụng giúp bạn dự thảo ngân sách dễ dàng hơn | Tính tiện lợi của thẻ tín dụng có thể khiến chủ thẻ tiêu dùng quá mức |
An toàn và tiện lợi khi không cần mang tiền mặt | Lãi suất có thể khiến gói nợ nhỏ phát triển lớn hơn theo thời gian |
Xây dựng điểm số tín dụng, rất hữu ích khi bạn thực hiện các giao dịch vay với ngân hàng sau này | Nhiều rủi ro phát sinh khi lộ thông tin cá nhân trên thẻ |
Quy trình phát hành thẻ
Bước 1: Khách hàng đến ngân hàng điền đầy đủ các mẫu đơn yêu cầu mở thẻ và cung cấp các giấy tờ chứng minh thu nhập theo quy định của ngân hàng.
Bước 2: Ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định sau khi nhận đầy đủ hồ sơ của khách hàng, sau đó kiểm tra sự chính xác của giấy tờ mà khách hàng cung cấp cũng như khả năng trả nợ của khách hàng.
Bước 3: Ngân hàng sẽ tiến hành phân loại để cấp hạn mức tín dụng dựa trên hồ sơ của khách hàng đã đáp ứng đầy đủ điều kiện nhất định.
Bước 4: Ngân hàng sẽ tiến hành nhập dữ liệu thông tin khách hàng vào hệ thống quản lý, mã hóa các thông tin này trên thẻ, đồng thời yêu cầu chủ thẻ ký tên và đăng chữ ký mẫu tại ngân hàng trước khi giao thẻ cho khách.
Bước 5: Khách hàng đến ngân hàng nhận thẻ, và sau khi nhận thẻ thì khách hàng cần bảo mật thông tin cá nhân trên thẻ và mã CSC (Card Security Code). Nếu có rủi ro phát sinh do khách hàng để lộ thông tin, khách hàng hoàn toàn phải chịu trách nhiệm.
Thông thường, thời gian từ lúc khách hàng nộp đơn xin phát hành thẻ đến thời gian nhận được thẻ là từ 5-7 ngày làm việc.
Xem thêm: Thẻ Visa là gì? Làm thẻ Visa của ngân hàng nào là tốt nhất hiện nay?
Cách thanh toán số dư thẻ tín dụng
Đến ngày thanh toán, chủ thẻ tín dụng có thể thanh toán toàn bộ dư nợ cuối kỳ hoặc thanh toán tối thiểu bằng các hình thức sau:
Thanh toán tự động: bạn có thể đăng kí với ngân hàng dịch vụ trích tiền tự động từ tài khoản thanh toán để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng (số tiền thanh toán tối thiểu hoặc toàn bộ ghi nợ). Đây cách thanh toán đơn giản, nhanh chóng, đảm bảo chủ thẻ trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, bạn cần duy trì số dư trong tài khoản thanh toán bằng hoặc nhiều hơn dư nợ trong sao kê trước khi đến hạn thanh toán.
Thanh toán tiền mặt: chủ thẻ có thể ra quầy giao dịch của ngân hàng phát hành thẻ để nộp tiền mặt thanh toán khoản nợ thẻ tín dụng. Ngoài ra, một số ATM hiện nay của một số ngân hàng đã thêm chức năng nộp tiền mặt trực tiếp, chủ thẻ có thể thanh toán khoản nợ tín dụng qua ATM.
Chuyển khoản: chủ thẻ có thể chuyển khoản bằng dịch vụ Internet Banking hoặc chọn chức năng thanh toán nợ thẻ tín dụng tại máy ATM (phụ thuộc ATM của ngân hàng phát hành thẻ có hỗ trợ chức năng này không).
Thanh toán từ ngân hàng khác: bạn có thể chuyển khoản từ ngân hàng khác đến tài khoản thẻ tín dụng của ngân hàng phát hành thẻ để thanh toán dư nợ tín dụng.
Lưu ý: Khi sử dụng hình thức thanh toán dư nợ tín dụng bằng thẻ ATM (nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản), nếu thanh toán trước 17h trong các ngày làm việc, việc thanh toán sẽ được ghi nhận trong ngày đó. Nếu thanh toán sau 17h trong các ngày làm việc hoặc vào ngày nghỉ, lễ, việc thanh toán dư nợ tín dụng sẽ được ngân hàng ghi nhận vào ngày làm việc tiếp theo.
Cách tính ngày thanh toán thẻ tín dụng
Chủ thẻ tín dụng có 45 ngày miễn lãi, không bị tính lãi suất (tùy quy định của ngân hàng). Qua thời gian này, nếu bạn không thanh toán dư nợ trong thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ bắt đầu tính lãi suất dựa trên tổng dư nợ cuối kì.
Vào ngày sao kê hằng tháng, ngân hàng sẽ gửi cho bạn bản sao kê giao dịch trong tháng qua địa chỉ email mà bạn đã đăng kí với ngân hàng. Sau đó, bạn có thêm 15 ngày để thanh toán hết các dư nợ.
Ví dụ: Bạn nhận bảng sao kê thẻ tín dụng trong tháng này vào ngày 28/09, ngày đến hạn thanh toán là ngày 13/10. Tất cả các giao dịch phát sinh sau ngày lập bảng sao kê của kì trước (tức ngày 28/08) sẽ được miễn lãi và tính vào bảng sao kê của kì tiếp theo (ngày 28/09). Thời gian miễn lãi 45 ngày của bạn sẽ bao gồm 1 tháng và 15 ngày miễn lãi. Bạn cần thanh toán toàn bộ số dư nợ trên sao kê trước ngày 13/10. Sau thời gian này, dư nợ trên sao kê được lập ngày 28/09 sẽ bắt đầu bị tính lãi suất. Ngoài ra, để tận dụng 45 ngày miễn lãi cho kì tiếp theo, bạn nên thực hiện giao dịch vào ngày 29/09.
Những nguyên tắc cần nhớ khi sử dụng thẻ tín dụng
Bảo mật thông tin thẻ
Khi thực hiện thanh toán online, bạn chỉ cần nhập đầy đủ thông tin in trên thẻ kèm số CSC (Card Security Code) – mã số bảo mật thẻ là đã có thể thực hiện việc thanh toán. Nếu chủ thẻ chia sẻ thông tin bảo mật này với nhiều người, nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân rất cao.
Thẻ tín dụng không yêu cầu nhập mã PIN khi thực hiện giao dịch tại các quầy thanh toán. Điều này tạo sự thuận lợi, dễ dàng cho chủ thẻ nhưng lại rất rủi ro nếu chẳng may thẻ bị mất. Vì vậy, khi bị mất thẻ tín dụng, bạn nên gọi đến ngân hàng đề yêu cầu khóa thẻ, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.
Sử dụng thẻ tín dụng tức là đi vay
Không giống như thẻ Debit hoặc ATM, số tiền sử dụng để thanh toán trong thẻ tín dụng thực chất là số tiền bạn đang vay từ ngân hàng với lãi suất 0% (trong 45 ngày miễn lãi). Đến thời hạn thanh toán, bạn vẫn phải trả lại toàn bộ số tiền đã “tạm vay”. Nếu chủ thẻ chưa thể thanh toán toàn bộ dư nợ cho ngân hàng vào ngày thanh toán, ngân hàng sẽ bắt đầu tính mức lãi suất khá cao (khoảng 26% đến 31%) dựa trên dư nợ hiện tại trong thẻ tín dụng. Vì vậy, khi thực hiện các giao dịch sử dụng thẻ tín dụng, bạn nên cân nhắc khả năng trả nợ của mình vào cuối tháng, tránh nguy cơ rơi vào nợ nần chồng chất.
Chú ý khi đưa thẻ cho nhân viên thanh toán
Nhiều chủ thẻ tín dụng khi mua sắm ăn uống ở nhà hàng, trung tâm thương mại thường đưa thẻ của mình cho nhân viên thu ngân để họ thực hiện thanh toán và không hề để mắt đến chiếc thẻ. Thói quen này có thể khiến chủ thẻ đứng trước nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân khá cao nếu chẳng may người nhân viên chụp lại các thông tin bảo mật in trên thẻ.
Vì vậy, khi đưa thẻ cho nhân viên phục vụ hay thu ngân quẹt thẻ thanh toán, bạn nên chú ý giám sát trực tiếp quá trình nhân viên quẹt thẻ, đồng thời kiểm tra kĩ lưỡng thông tin trên phiếu giấy được in ra.
Quan tâm đến thời gian thanh toán
Tùy thuộc vào độ tín nhiệm của khách hàng mà ngân hàng sẽ cấp hạn mức tín dụng khác nhau. Chủ thẻ tín dụng sẽ được ưu đãi 45 ngày “tạm vay” không lãi suất. Qua thời gian này, nếu chủ thẻ chậm thanh toán hoặc chỉ thanh toán số tiền tối thiểu, ngân hàng sẽ bắt đầu tính lãi suất trên tổng dư nợ cuối kì trong bảng sao kê cũng như thu phí phạt trả chậm. Do đó, chủ thẻ tín dụng cần có kế hoạch kiểm soát chi tiêu, khả năng thanh toán đúng thời hạn để hưởng những ưu đãi về lãi suất, hạn chế các loại phí phát sinh.
Không sử dụng thẻ tín dụng như thẻ ATM
Các ngân hàng không khuyến khích sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt như thẻ ATM. Vì vậy, nếu bạn sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt, bạn sẽ chịu một mức phí khá cao (thường là 1%- 4% số tiền đã rút). Vì vậy, chỉ nên rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng trong trường hợp thực sự cần thiết.
Nếu sử dụng thông minh và đúng cách, thẻ tín dụng sẽ là phương tiện thanh toán rất hữu ích, ngăn ngừa nhiều rủi ro khi thanh toán bằng tiền mặt. Ngược lại, nếu sử dụng không có sự kiểm soát, chủ thẻ tín dụng rất dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần. Vì vậy, khi dùng thẻ tín dụng, chủ thẻ cần nắm vững những nguyên tắc quan trọng cũng như cân bằng nhu cầu vay với khả năng trả nợ.
Blogtienao.com tổng hợp