Cạm bẫy tiền ảo từ KOLs: Khi danh tiếng thành bẫy lừa
Thị trường tiền ảo tại Việt Nam đang chứng kiến làn sóng KOLs (người ảnh hưởng) dùng danh tiếng để lôi kéo đầu tư, nhưng hậu quả để lại không ít bi kịch.
TikToker Happi Mommi (N.N.A, SN 1995), từng nổi tiếng với hình ảnh mẹ trẻ truyền cảm hứng, giờ bị tố lừa đảo sau khi kêu gọi hàng trăm người rót tiền vào dự án CSCJ. Dự án “bánh vẽ” này tan biến, để lại nhà đầu tư trắng tay, còn Happi Mommi lặng lẽ rút lui rồi tái xuất như chưa có chuyện gì.
Không chỉ Happi Mommi, streamer ViruSs – nhân vật đình đám trong gaming và tài chính – cũng từng quảng bá Zuki Moba, một dự án GameFi “chơi để kiếm tiền”. Sự tham gia của ViruSs thu hút lượng lớn vốn, nhưng khi thị trường tiền số lao dốc, đồng coin Zuki Moba mất gần hết giá trị, dự án cũng “bốc hơi”, kéo theo hàng tỷ đồng của nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, chiêu trò của nhiều KOLs thường bắt đầu bằng việc xây dựng lòng tin qua hình ảnh cá nhân, rồi vẽ nên viễn cảnh sinh lời hấp dẫn từ tiền ảo.
Một số thực sự đầu tư hoặc đứng sau dự án, nhưng nhiều người chỉ nhận thù lao để quảng bá mà không hiểu rõ bản chất. Để tránh rủi ro pháp lý, họ khéo léo né cụm từ “kêu gọi đầu tư”, thay bằng chia sẻ kinh nghiệm hay nhấn mạnh “quyết định thuộc về bạn”.
Dù vậy, sức ảnh hưởng của họ dễ đánh vào tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ), khiến nhà đầu tư lao vào mà không lường hậu quả.
Trên thế giới, hiện tượng này không mới. Tại Việt Nam, nó đang để lại bài học đắt giá: danh tiếng KOLs có thể là chiếc bẫy nguy hiểm trong thị trường tiền ảo đầy biến động.
TikToker Happi Mommi bị bóc phốt quá khứ: Giàu lên nhờ “đào lửa” tiền ảo